Đường trên cao, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, hầm Thủ Thiêm... được đưa vào sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế, tạo điểm nhấn cho các đô thị.
Đại lộ Thăng Long (cao tốc Láng - Hòa Lạc) được bàn giao ngày 3/10/2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là tuyến cao tốc nối trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh.
Đường trên cao vành đai 3 - đường trên cao đầu tiên ở Việt Nam là điểm nhấn nổi bật của ngành giao thông với điểm đầu ở Mai Dịch, điểm cuối ở phía Bắc Hồ Linh Đàm kết nối với cầu cạn Pháp Vân dài 6 km tạo thành đường trên cao vành đai 3 dài 15 km nối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cầu Thanh Trì. Khánh thành tháng 10/2012, tuyến đường dài 8,9 km, gồm 385 m đường dẫn và 8,5 km cầu cạn chính tuyến, tốc độ thiết kế 100 km/h với 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp được đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 265 km, có điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai). Đây còn là một phần của đường Xuyên Á AH14. Dự án khởi công từ quý 3 năm 2008, hoàn thành dịp tháng 9/2014. Theo thiết kế, đoạn Hà Nội - Yên Bái có 4 làn xe, cho phép đạt vận tốc thiết kế tối đa 100 km/h, đoạn Yên Bái - Lào Cai có 2 làn xe và đạt vận tốc tối đa 80 km/h.
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nối hai đầu mối giao thông Hà Nội và Ninh Bình thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam. Tuyến đường dài 56 km, mặt cắt ngang cho 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120 km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22 m, tuyến có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp và dải an toàn.
Cầu Nhật Tân - một trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng ở khu vực Hà Nội - nối quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng. Cầu được khởi công tháng 3/2009, khánh thành tháng 1/2015 đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo thành tuyến cao tốc nội đô hiện đại. Cầu dài 3,9 km cùng hơn 5 km đường dẫn, với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
Đường Võ Nguyên Giáp có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Tuyến đường này có mặt cắt rộng 80 - 100 mét, 6 làn xe chạy, tốc độ tối đa 80 km/h. Tổng chiều dài 15 km (12 km đường và 3 km cầu Nhật Tân), tuyến đường này đã rút ngắn cự ly và thời gian từ sân bay Nội Bài về nội đô Hà Nội đồng thời giảm tải cho quốc lộ 3 và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Nhà ga T2 sân bay Nội Bài một trong 3 dự án thuộc cụm công trình được khánh thành đầu năm 2015. Nhà ga mới nằm cách nhà ga cũ T1 gần 1 km, diện tích gần 140.000 m2, tổng mức đầu tư xấp xỉ 900 triệu USD, hoàn thành sau gần 3 năm xây dựng. Theo công suất thiết kế, mỗi năm công trình này phục vụ khoảng 10 triệu lượt khách tính đến năm 2020 và 15 triệu lượt khách tính đến năm 2030.
Cầu vượt ngã 3 Huế (Đà Nẵng) nằm trên quốc lộ 1A, là cầu vượt 3 tầng đầu tiên ở Việt Nam. Thi công trong khoảng 16 tháng, cầu có kết cấu gồm tầng mặt đất, vòng xuyến và tầng 2. Công trình chịu được động đất cấp 8.
Với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng (theo hình thức BT - xây dựng, chuyển giao), cầu có 491 cọc khoan nhồi và 50 nhịp, tổng chiều dài hơn 2 km. Mỗi tầng cầu có 4 làn xe. Tầng mặt đất là các nhánh rẽ không giao với đường sắt, tầng 2 là vòng xuyến trên cao rộng 15 m, các nhánh rẽ rộng 16 m. Tầng trên cùng ưu tiên cho hai hướng phương tiện lưu thông giữa Huế và Đà Nẵng.
Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn, thành phố Đà Nẵng. Cầu dài 666 m, rộng 37,5 m với 6 làn được thông xe tháng 3/2013, kinh phí gần 1.500 tỷ đồng. Con rồng sắt chạy dài trên cầu có thể phun lửa và nước lúc 21h thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.
Hầm vượt sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm) là một phần trong dự án Đại lộ Đông Tây nối quận 1 (TP HCM) với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công trình được đánh giá là hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á với 6 làn xe ôtô được dìm dưới lòng sông Sài Gòn.
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây dài 55 km nối TP HCM với Đồng Nai. Tuyến đường được đầu tư gần 21.000 tỷ đồng, vận tốc thiết kế 120km/h giúp rút ngắn lộ trình từ TP HCM đi Vũng Tàu còn 95 km với thời gian khoảng 80 phút thay vì 120 km và 150 phút như trước.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM với Tiền Giang các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chiều dài toàn tuyến là 61,9 km, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng kinh phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (trước đây gọi là đại lộ Đông Tây, mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng) - một trong những con đường hiện đại nhất TP HCM. Đường dài gần 22 km, bắt đầu từ xa lộ Hà Nội (quận 2) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh). 13 km từ hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) là đại lộ Võ Văn Kiệt. Còn đại lộ Mai Chí Thọ (từ xa lộ Hà Nội về đến hầm vượt sông Sài Gòn, phía quận 2) dài 9 km, rộng 140 m.
Đường Phạm Văn Đồng có tổng đầu tư 340 triệu USD, khởi công vào tháng 6/2008, dự kiến khánh thành toàn tuyến trước Tết nguyên đán 2015. Đây là trục đường hướng tâm quan trọng của thành phố kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và kết nối với Bình Dương, Đồng Nai.
Cầu Phú Mỹ - cầu dây văng lớn nhất TP HCM, bắc qua sông Sài Gòn, kết nối hai khu đô thị mới Thủ Thiêm và Phú Mỹ Hưng, quận 7 với quận 2 và quận 9. Cầu cũng giúp việc lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn từ miền Bắc và miền Trung đi đồng bằng sông Cửu Long đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh được rút ngắn.
Theo Zing.vn